Thứ 5, ngày 2-1-2025
|
Biển xứ Nghệ nhìn từ văn hóaNgày 12 tháng 06 năm 2017
Biển không chỉ là yếu tố tiền đề tạo môi trường tự nhiên tác động đến cộng đồng cư dân nơi đây để sáng tạo và hình thành nên một truyền thống văn hóa có bản sắc riêng mà còn là điều kiện, là tác nhân để văn hóa xứ Nghệ trong lịch sử là một văn hóa mở...
1. Xứ Nghệ - Nghệ An và Hà Tĩnh có hơn 200km bờ biển trong tổng số 3.260km của bờ biển Việt Nam. Vùng biển xứ Nghệ rộng chừng 4972 HL2 trong khoảng một triệu km2 vùng biển Việt Nam. Độ mặn của nước biển ở đây trung bình 33%0 và có chiều hướng càng đi về phía Nam càng mặn hơn. Đó là nói chuyện ngày nay. Còn nhìn về quá khứ, mực nước biển Đông nói chung, xứ Nghệ nói riêng, cũng như các đại dương, không phải như ngày nay mà đã có rất nhiều biến đổi, và điều đó kéo theo sự thay đổi diện mạo của mặt biển, bờ biển. Theo các nhà khoa học, trong kỷ đệ tứ(*) có bốn đợt băng hà (Guyn xơ, Min đen, Rít Xơ, Vuyếcmơ) với ba lần gian băng và một thời kỳ sau băng hà. Theo Maeralen(**) thì mực nước đại dương trong các thời kỳ gian băng dâng cao nhất không quá 10m so với mực nước biển hiện tại và hạ thấp nhất không thấp hơn mức - 110m. Như vậy, vào thời kỳ mực nước hạ thấp này (thời kỳ Pleistocence – Thế Cánh tân cách ngày nay từ 1,8 triệu năm cho đến 1 vạn năm), phần Đông Nam Á lục địa đã được nối liền với các đảo Hải Nam, Kalimantan, Xumatra và đảo Java bằng các cầu đất liền (P.Gourou 1986, De Terra 1943, Bellwaod 1985…). Các thềm biển và thềm sông Việt Nam đã được hình thành căn bản trong giai đoạn này bởi sự ảnh hưởng của giao động Maeralen(*) (Saurin 1956, Nguyễn Đức Chỉnh 1964, Nguyễn Địch Dỹ 1973, Nguyễn Thế Thôn 1978…). Về cơ bản các nhà khoa học cho rằng giai đoạn từ 20.000 đến 17.000 năm cách ngày nay toàn bộ Đông Nam Á là một dải lục địa thống nhất. Người ta cho rằng thời kỳ này ở Đông Nam Á, những cư dân tiền sử cũng như các hệ động vật và quần thể thực vật đã đi từ lục địa ra hải đảo và ngược lại bằng những cầu đất liền. Thế nhưng, vào cuối thời kỳ Pleislocence, mực nước biển lại bắt đầu dâng lên, có thể chôn vùi các địa bàn cư trú của người tiền sử, buộc họ phải vào lục địa hoặc trụ lại ở các hải đảo. Chúng ta có thể hình hung lúc này các dãy núi Đại Huệ, Thiên Nhẫn, Hoành Sơn, Trà Sơn là những bán đảo; còn Hồng Lĩnh, Nam Giới, núi Quyết là những hòn đào. Các nhà khoa học cũng đã đưa ra nhiều cứ liệu khoa học để chỉ ra rằng trong giai đoạn giữa 18.000 năm và 6.000 năm trước đây vùng Đông Nam Á cận lục địa và vùng Sundei đã có những sự thay đổi nhất định về môi trường sinh thái, rất có thể là sự tiêu diệt bởi sự nhấn chìm do sự giao động tích cực của mực nước biển, nhất là đợt biển tiến Folandria xẩy ra trong thời kỳ Holocene (Thế Toàn Tân – Cách ngày nay khoảng 1 vạn năm cho đến nay). Thời kỳ này chuyển từ Pleislocence sang Holocene) tương ứng với bước chuyển từ thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới qua khâu trung gian ngắn là thời đại đá giữa hay thời đại đá mới trước gốm. Theo Peter Bellwood thì thời kỳ này ở khu vực này đã tăng lượng mưa và khuyếch trương rừng mưa, làm thay đổi căn bản trong phân hóa địa lý của đất liền và biển, ảnh hưởng sâu sắc đến hệ sinh thái nhân văn và là những thách thức về sự thích nghi quan trọng nhất đối với con người. Còn theo giáo sư Hà Văn Tấn thì ở Đông Nam Á thời kỳ này cổ khí hậu khu vực này có sự chuyển biến từ khô lạnh sang nóng ấm khiến môi trường văn hóa và những điều kiện thích nghi của con người cũng phải có sự tái điều chỉnh cho thích hợp.
Ở trên là những thâu lượm được những kiến giải của các nhà khoa học về biển Việt Nam giai đoạn từ Pleislocence sang Holocene (từ Thế Cánh tân sang Thế Toàn tân) để có một cái nhìn rộng hơn về biển khi tiếp cận nó từ văn hóa. Nói vậy, vì thời kỳ này tương ứng với thời tiền sử. Và vì văn hóa xứ Nghệ, người xứ Nghệ từ trước đến nay không tách rời khỏi biển, luôn hướng ra biển nên chúng tôi muốn giới thiệu một số kiến giải của các nhà khoa học về biển Việt Nam trong khoảng niên đại tương ứng với văn hóa tiền sử là nhằm có một cái nhìn lịch đại về biển và mối quan hệ tương tác giữa biển với văn hóa.
2. Cũng theo kiến giải của các nhà khoa học (địa chất học, địa lý học, hải dương học…) thì bờ biển vùng Nghệ Tĩnh cơ bản là bờ biển phẳng kiểu mài mòi - bồi tụ, có nhiều bãi đẹp (Lê Bá Thảo). Điều đáng nói là hiện trạng bờ biển nơi đây cơ bản đã ổn định từ trước thời đại kim khí (Đông Sơn) ít nhất là tương đương với giai đoạn muộn của văn hóa Hòa Bình. Nói vậy là nhằm khẳng định sự gắn kết hữu cơ của con người nơi đây, của văn hóa xứ Nghệ với biển từ buổi ban đầu của bình minh lịch sử.
Lần theo lịch sử, căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ, địa chất và cổ sinh, chúng ta thấy tiền nhân xứ Nghệ đã gắn bó mật thiết lâu đời với biển. Đó là chủ nhân của văn hóa Quỳnh Văn - Những người hầu như chủ yếu sống dựa vào khai thái nhuyễn thể (sò, điệp, ốc…) và các hải sản biển. Điều đáng nói là phạm vi phân bổ của văn hóa Quỳnh Văn khá lớn, kéo dài từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) đến tận Phái Nam (Thạch Lâm - Thạch Hà - Hà Tĩnh). Kéo dài hàng trăm km dọc bờ biển, người Quỳnh Văn đã bám biển, gắn bó với biển để tạo nên một sắc thái văn hóa biển riêng có của con người ở khu vực này. Từ 21 cồn sò điệp (20 cồn ở Quỳnh Lưu, 1 cồn ở Thạch Hà), các nhà khảo cổ học, từ bà M.Colani người Pháp đến các nhà khảo cổ học Việt Nam hiện nay, giới khoa học đã có một sưu tập khá phong phú với hơn 1.000 di vật đá, hơn 20 di vật xương răng động vật, đồ trang sức bằng vỏ ốc biển và hơn 1 vạn mảnh gốm.
Về đồ đá, cư dân Quỳnh Văn đã chế tác và sử dụng các loại hình công cụ vừa mang các yếu tố truyền thống của văn hóa Sơn Vi - Hòa Bình nhưng lại tạo ra được những nét riêng của mình. Do nền kinh tế khai thác hải sản, chủ yếu là nhuyễn thể nên công cụ đá không giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân Quỳnh Văn. Nhưng ngược lại, người Quỳnh Văn có một kỹ nghệ gốm rất phát triển. Các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng Quỳnh Văn là một trong ba trung tâm gốm sớm nhất của cả Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Kết quả khai quật khảo cổ chứng minh rằng ngay từ khi đến cư trú dọc bờ biển Quỳnh Lưu, Thạch Hà, người Quỳnh Văn đã sáng tạo ra gốm. Và trong các giai đoạn phát triển của mình người Quỳnh Văn đã có những thay đổi về gốm bằng các loại hình kiểu dáng thích nghi với đời sống khai thác hải sản, loại/kiểu gốm đáy nhọn ngày càng phát triển và trở thành loại gốm đặc trưng của văn hóa Quỳnh Văn. Gốm Quỳnh Văn được chế tạo chủ yếu bằng phương pháp nặn tay, giải cuộn kết hợp với các thủ pháp kê, đập, chải… Người Quỳnh Văn đã dùng các vật dụng gốm của mình để đem nấu chế biến các loại hải sản chủ yếu là nhuyễn thể đánh bắt từ biển…
Tiếp theo văn hóa Quỳnh Văn, người tiền sử xứ Nghệ bước vào một thời kỳ phát triển mới nhưng vẫn gắn liền với biển - đó là văn hóa Bàu Tró với ba loại hình: Thạch Lạc, Bàu Tró và Minh Cầm. Loại hình văn hóa Thạch Lạc (lấy tên một địa danh ở Thạch Hà) chủ yếu phân bố ở ven biển Nghệ Tĩnh. Cho đến hiện nay đã phát hiện được hơn 20 di chỉ thuộc văn hóa Thạch Lạc trên đất xứ Nghệ như Thạch lạc, Thạch Lâm, Thạch Đài, Cẩm Thành, lèn Hang Thờ, Rú Ta, Trại Ổi, Trại Mường, cồn Bến Lợi, di chỉ xương núi Dầu, bãi Phôi Phối, cồn Lôi Mốt, đền Bồi, rú Nghèn, rú Nài, bãi Diền Diền, bãi Thình Thình…
Cũng như văn hóa Quỳnh Văn, trong các di tích trên của văn hóa Thạch Lạc thì cồn sò điệp là loại hình tiêu biểu nhất. Các cồn sò điệp này phân bố dọc theo bờ biển và cách biển từ 5 - 10km, cao hơn mặt đồng bằng 5m và cao hơn thềm biển khoảng 1m. Theo các nhà khoa học (Đỗ Thị Ninh) thì các cồn sò điệp này đã hình thành trong một thời kỳ cổ địa lý, cổ khí hậu rất thích hợp cho sò điệp phát triển. Đồng thời vào giai đoạn này biển đã tiến khá sâu, khu vực này trở thành một vùng biển nông, là môi trường thuận lợi cho các loại sò điệp phát triển. Và cư dân Thạch Lạc, và Quỳnh Văn đã sống trong môi trường sinh thái này, lấy nhuyễn thể, các loại sò điệp làm nguồn sống. Theo Huỳnh Ngọc Hưởng, môi trường biển nông này ở xứ Nghệ đã tồn tại từ 7.000 - 8.000 năm cách ngày nay. Cư dân Thạch Lạc đã định cư lâu dài trên đất Nghệ. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn thì văn hóa Thạch Lạc có ba giai đoạn phát triển kế tiếp nhau với các di chỉ tiêu biểu của mỗi giai đoạn là Phái Nam, lớp trên bãi Phôi Phối và Thạch Lạc - Trại Ổi. Về phương thức kinh tế thì người Thạch Lạc, tùy theo điều kiện sinh thái từng vùng, đã tìm ra những phương thức phù hợp, chủ yếu là khai thác biển và làm nông nghiệp. Đối với biển, họ không chỉ biết khai thác theo mùa tăng trưởng của các loài sò điệp mà còn vươn xa, đi khơi về lộng để đánh bắt xá. Có thể khẳng định là họ đã có kỹ thuật làm ghe, mảng đi biển đạt trình độ cao. Họ đã tiến tới chinh phục biển. Không chỉ cải tạo các đầm lầy thành nơi cư trú và canh tác mà còn vượt biển để thực hiện những cuộc giao lưu với người tiền Sa Huỳnh ở ven biển miền Trung Trung bộ. Các chứng cứ khảo cổ học đã chứng minh điều đó. Ngoài ra họ còn sản xuất nông nghiệp, săn bắt thú rừng. Ở các di vật của văn hóa Thạch Lạc chúng ta thấy bên cạnh những chiếc bôn có vai và không vai là những cái cuốc có kích thước lớn. Nghề gốm của người Thạch Lạc cũng rất phát triển với nhiều kiểu dáng hoa văn, có cả gốm đáy nhọn lẫn đáy tròn, gốm có chân đế, có văn in hai mặt lẫn văn in khắc vạch và tô màu. Kích thước đồ gốm cũng lớn hơn rất nhiều, có những đồ đựng đường kính miệng lên tới 35-40cm…
Với những chứng cớ hiển nhiên đó chứng tỏ cư dân Thạch Lạc trên đất Nghệ xưa đã có một cuộc sống ổn định lâu dài, phong phú và sinh động. Người Thạch Lạc gắn liền vời biển, hướng ra biển để sáng tạo nên một loại hình văn hóa Thạch Lạc - văn hóa hướng biển.
Tiếp theo, khi bắt đầu cách đây khoảng 4000 năm, người tiền sử trên đất Nghệ cùng với cư dân các nơi khác bước vào thời đại kim khí. Đối với biển, các thế hệ người nơi đây vẫn một lòng gắn bó. Đó là thế ứng xử tất yếu. Dải đồng bằng ven biển hẹp chiều ngang, lại có nhiều sông ăn thông từ rừng ra biển, nên muốn hay không, các lớp người – tiền - sơ sử trên vùng đất xứ Nghệ vẫn phải bám lấy biển để tận dụng biển, khai thác sự ưu ái và giàu có của biển để mưu cầu sự tồn tại và phát triển, để hướng tầm nhìn cho những cuộc giao lưu.
3. Bây giờ xin trở lại một tý về địa hình xứ Nghệ, cụ thể hơn là miền duyên hải. Ta có thể thấy dải đồng bằng ven biển của xứ Nghệ là rất hẹp, núi rừng cách biển chẳng bao xa, càng về phía Nam đặc điểm này càng rõ hơn (Thạch Hà - Cẩm Xuyên - Kỳ Anh…). Thế nhưng, ngoài sông Lam và sông La, tuy không lớn lại có nhiều sông, lắm luồng lạch. Ta có thể hình dung cả vùng duyên hải xứ Nghệ là một vùng biển nông, rồi đến là một vùng đầm phá. Nhờ công cuộc chinh phục của tiền nhân và cả sự thay đổi của tự nhiên, mà có hình hài xứ Nghệ như ngày nay. Lắm sông, lắm cửa thông ra biển (Lạch/Cửa Cờn, Lạch/Của Quèn, Lạch/Cửa Vạn, Cửa Hiền, Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu), tàu thuyền dễ ra vào nên ở xứ Nghệ xưa đã hình thành một hệ thống cảng thị. So với một vài trăm năm về trước, do các hiện tượng đổi dòng, phù sa hoặc cát bồi lấp, biển lùi mà hiện nay số lượng cửa sông/ biển còn lại ít hơn nhiều. Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu thì hệ thống cảng thị của xứ Nghệ xưa chỉ có cảng sông ra biển chứ không có cảng biển (Trịnh Cao Trưởng - 2002). Người xứ Nghệ xưa có thể đi ra ngoài biển, thông thương bằng biển, khai thác biển nhưng khi cần thiết vẫn có thể đi lại bằng hệ thống sông, lạch trong nội địa. Đáng nói nhất, chạy dọc suốt vùng đất này ta có hệ thống kênh đào - kênh Nhà Lê - kênh Thần đầu… Như vậy là hệ thống sông, kênh này đã hợp cùng với biển tạo thành một hệ thống giao thông khép kín, linh hoạt trong các điều kiện thời tiết khác nhau, đáp ứng nhu cầu giao lưu và phát triển. Biển và hệ thống cảng thị ở xứ Nghệ đã đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển của chính bản thân xứ Nghệ và của cả nước trên nhiều phương diện kinh tế - văn hóa - bảo vệ và mở mang bời cõi. Qua các tư liệu khảo cổ học, có thể coi nó là một chặng, tuy ngắn, nhưng có vị trí quan trọng trong hành trình “con đường tơ lụa trên biển” đã hình thành từ thế kỷ IX-X, nối liền Đông - Tây. Nó quan trọng bởi đây là điểm tiếp giáp giữa Đại Việt và Chiêm Thành trong lịch sử. Và chứng cớ là ở tất cả các cảnh thị đã được khảo sát, nhất là ở phía Nam xứ Nghệ (Hội Thống, Kỳ La, Hải Khẩu…) đều có rất nhiều gốm sứ với rất nhiều nguồn gốc khác nhau như gốm Định Châu, gốm Việt Châu, gốm Trường Sa, gốm vàng xanh của các lò Nam Trung Quốc và gốm Ixlens (Trung cận đông). Ngược lại gốm Việt Nam, nhất là gốm Trần cũng đã tìm thấy ở rất nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Cận Đông, Ai Cập… Đó là nói về kinh tế và văn hóa. Còn trên lĩnh vực bảo vệ và mở mang bờ cõi, biển xứ Nghệ và người xứ Nghệ là tấm bình phong đồng thời là đội tiên phong của đất nước. Các thời đại Trần - Lê, các vị vua - tướng đi đánh giặc đều dừng chân ở xứ Nghệ. Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông là những ví dụ.
Chẳng phải là huyền sử mà là lịch sử, ở Cửa Sót, trên núi Nam Giới (Thạch Hà) và Hải Khẩu (Kỳ Anh) vẫn đang còn mộ và đền thờ của Chiêu Trưng Đại Vương và Chế Thắng phu nhân (ái phi của Trần Duệ Tông). Các vị đã bỏ mình vì đất nước và về yên giấc nơi đây, ngay sát tại bờ biển.
Vậy là biển Đông, cùng với hệ thống sông, lạch ở xứ Nghệ đã góp phần tạo tiền đề, không gian vật chất cho sự hình thành nên văn hóa xứ Nghệ. Quả thực yếu tố biển, nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy nó chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức, ký ức và hiện tại của văn hóa xứ Nghệ. Người Nghệ hầu như nhiều người biết Cửa Hội/Hội Thống, Cửa Nhượng/Nhượng Bạn, Lạch Vạn/Vạn phần… hơn là các địa danh khác ở trong nội địa. Kể cả người Thổ ở miền Tây Nghệ An cho đến tận hôm nay vẫn còn duyên nợ với biển. Trong đó có bài văn cúng, trong các câu thần chú vẫn còn khấn vái Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương… Quả là không thể dẫn chứng hết vì chúng tôi chưa thể biết được nhiều, dấu vết biển trong tâm thức văn hóa của người xứ Nghệ. Trong ẩm thực chẳng hạn, cái phong vị của người Nghệ thật gắn bó với biển. Người dân làm ruộng, đi rừng vẫn dùng bao nhiêu là thứ của biển. Bao nhiêu là thứ hải sản với bấy nhiêu cách chế biến; rồi các loại mắm từ hải sản, mắm tôm, mắm tép, mắm cá… và cái cách chế biến, cách ăn… Nói rộng ra là có một phong cách ẩm thực (sản phẩm) biển của người Nghệ, ít hay nhiều, khác với nơi khác. (Tiếc là cách đây chưa lâu có một ông đạo diễn phim tài liệu, được giới thiệu là rất am hiểu xứ Nghệ, nói rằng xứ Nghệ không có truyền thống văn hóa ẩm thực riêng của mình, vì thế nên không thể có nội dung này trong phim “Ai về xứ Nghệ” do ông làm?!.). Rồi trong âm nhạc, trong thơ ca, trong tín ngưỡng, lễ hội… thật là sâu đậm dấu vết ký ức của biển cả, và về biển cả. Cho đến tận hôm nay, dọc bờ biển xứ Nghệ, vẫn hiện diện một hệ thống làng biển, nhất là ở các cửa biển - bãi dọc. Các làng biển/làng nghề biển có thể nói là chân dung, là phức hợp văn hóa biển của người Nghệ từ sự hiểu biết, cảm nhận và cách ứng xử, lợi dụng khai thác biển và cả tâm linh biển… Và không chỉ trên bờ biển mà cả dưới lòng đại dương, nơi hải đảo, người xứ Nghệ đã để lại vô số dấu ấn và di sản văn hóa. Chỉ nói riêng về miếu thờ cá ông (cá voi) dọc bờ biển cũng đã có ngót nghét hàng trăm ngôi. Và theo đó là tín ngưỡng và nghi thức tế lễ. Rồi cũng ở đây có hàng chục đền thờ các thần có sự tích gắn liền với biển nào Đông Hải Đại Vương [Nguyễn Phục], Sát Hải Đại Vương [Hoàng Tá Thốn], Thượng tướng quân Thập nhị hải môn Nguyễn Sư Hồi, Chiêu Trưng Đại Vương.v.v… Chúng ta cũng có thể nói rằng biển là yếu tố quan trọng nhất cho người xứ Nghệ, văn hóa xứ Nghệ hiện quá trình giao lưu văn hóa trong lịch sử. Theo các cửa biển, tàu thuyền của nhiều nước đã vào nội địa xứ Nghệ. Chiếm vị trí quan trọng nhất là hệ thống cảng thị ven sông Lam, cửa biển quan trọng nhất là Cửa Hội. Ngày trước, từ thế kỷ XVII, Phù Thạch đối diện với Lam Thành phía bên hữu sông Lam đã trở thành một cảng thị, một khu phố khá sầm uất, chủ yếu là người Hoa cư trú, có thể có cả một số người Nhật. Rồi theo các cửa biển, các nhà truyền giáo đạo Ki tô đã vào xứ Nghệ từ thế kỷ XVI - XVII. Cũng theo đường biển (cùng với cả đường bộ), hoặc là bị bắt làm tù binh, hoặc chủ động lấn sang rồi ở lại của rất nhiều người Chiêm Thành. Cứ thế, văn hóa xứ Nghệ theo năm tháng đã có quá trình giao lưu rất rộng rãi. Trong cuộc giao lưu đó, có những yếu tố từ bên ngoài du nhập vào đã được chấp nhận và tiếp biến, Nghệ hóa các giá trị ngoại sinh. Dấu ấn ấy có nhiều trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ, trong các giá trị vật thể như mỹ thuật, kiến trúc. Lấy kiến trúc để làm ví dụ chẳng hạn. Các nhà thờ của Ki tô giáo, dẫu đã được Việt hóa một phần nhưng hoàn toàn không phải là kiến trúc truyền thống Việt. Rồi dọc theo duyên hải xứ Nghệ, nhất là khu vực phía Nam, thay bằng truyền thống giếng đất, giếng khơi của người Việt là những chiếc giếng kiểu Chăm (nay vẫn còn ở Mai Phụ - Thạch Hà, Kỳ Hải, Kỳ Ninh - Kỳ Anh). Về mỹ thuật chẳng hạn - pho tượng đá ở nhà thờ Đặng Văn An ở Xuân An - Nghi Xuân, các tượng phỗng ở đền Chiêu Trưng (Thạch Kim - Thạch Hà), đền Cờn (Quỳnh Phương – Quỳnh Lưu) rõ ràng là có chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Chămpa…
Vậy là, biển không chỉ là yếu tố tiền đề tạo môi trường tự nhiên tác động đến cộng đồng cư dân nơi đây để sáng tạo và hình thành nên một truyền thống văn hóa có bản sắc riêng mà còn là điều kiện, là tác nhân để văn hóa xứ Nghệ trong lịch sử là một văn hóa mở. Mở để tiếp nhận và mở để ra đi, mở mang làm phong phú thêm bảng giá trị văn hóa xứ Nghệ. Thêm một ví dụ: Người vẽ bản đồ Hoàng Sa là dân xứ Nghệ. Rồi cư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gốc gác phần lớn là ở ven biển xứ Nghệ. Chiếc chuông đền Chiêu Trưng (Thạch Hà) nay đang ở đảo này (Lý Sơn). Người xứ Nghệ, văn hóa xứ Nghệ tiếp xúc với thế giới bên ngoài trước trên là bằng đường biển. Con đường tơ lụa Đông - Tây trên biển là có trước đường thiên lý Bắc - Nam trên bộ. Xứ Nghệ dù là đường biển hay đường bộ cũng chỉ là một chặng ngắn trên con đường đó nhưng sự trước sau và vị thế của biển, nhất là các cửa biển, các cảng thị là vô cùng quan trọng. Người ngoại quốc đến xứ Nghệ trước hết là bằng đường biển (có thể trừ người Hán).
Chúng tôi cũng xin nói thêm rằng tính mở của văn hóa xứ Nghệ (nguyên nhân chính là nhờ biển), là nhất quán. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng có những thời kỳ khá dài, dù là có biển, vẫn bị khép kín bởi ý chí chủ quan của thể chế chính trị (khoảng thế kỷ XVII – XIX chẳng hạn). Chuyện đó bây giờ đã và sẽ phải không còn. Thế nhưng, mở hướng ra biển, trông chờ và hy vọng ở biển, tận dụng và khai thác biển, bảo vệ biển như thế nào vẫn là chuyện không phải dễ, phải có một tư duy khoa học và trước hết phải có một định hướng ứng xử văn hóa với biển.
…………………
(*)Kỷ Đệ tứ, trước đây gọi là Phân đại Đệ tứ, là một giai đoạn trong niên đại địa chất theo Ủy ban quốc tế về địa tầng học. Theo truyền thống, nó bắt đầu sau khi kết thúc thế Pliocen vào khoảng 1,806 Ma (Mega annum, triệu năm) trước đây. Tuy nhiên, trong phiên bản 2009 về niên đại địa chất thì ICS đã chấp nhận điều chỉnh lại ranh giới bắt đầu của phân đại/kỷ này. Hiện tại (vào năm 2009), nó bắt đầu vào khoảng 2,588±0,005 Ma, khi bắt đầu tầng Gelasia. Phân đại (kỷ) này bao gồm 2 thế—là thế Pleistocen và thế Holocen.
(**) Người đề ra học thuyết về sự giao động của mực nước đại dương do sự thay đổi của khí hậu.
Theo Phan Văn Thắng/vanhoanghean.com.vn
Di sản văn hóa
|