nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám


Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay còn lưu giữ được 82 tấm bia Tiến sĩ, trên đó khắc ghi họ tên và quê quán của 1307 lượt người  đỗ của 82 khoa thi được tổ chức dưới triều Lê- Mạc (1442-1779). Bia Tiến sĩ được khởi dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497).
 
 
Sự kiện này được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484)... Mùa thu, tháng 8, ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các Tiến sĩ từ khoa NhâmTuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời vua Thái Tông triều ta đến nay…". Đây là sự kiện đặc biệt, tạo thêm giá trị tinh thần lớn lao cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
 
82 tấm bia hiện còn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dựng trong thời gian gần 300 năm, từ 1484 đến 1780. Mỗi tấm bia được dựng cho một khoa thi. Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – QuốcTử Giám được dựng trong nhiều đợt khác nhau. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng cho 10 tấm bia các khoa thi tiến sĩ được tổ chức từ 1442 đến 1484. Hiện chỉ còn 7 bia. Sau đó từ 1487 đến năm 1529 có 5 tấm bia được dựng vào các năm1487, 1496, 1513, 1521, 1529 và 2 tấm bia được dựng vào năm 1536 thuộc triều Mạc. Đợt dựng bia nhiều nhất vào năm 1653, với 25 tấm bia được dựng cho các khoa thi từ năm 1554 đến 1653. Đợt dựng bia thứ 3 vào năm 1717 với 21 bia cho các khoa thi được  tổ chức từ năm 1656 đến 1717. 22 tấm bia còn lại được dựng trong thời gian từ năm 1721 đến 1780. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi năm 1779.
 
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám do các nghệ nhân, nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời tạo tác. Tất cả 82 bia Tiến sĩ hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều được chế tác theo cùng một phong cách, thuộc loại bia dẹt, gồm 2 phần: Bia và đế bia.
 
+ Bia: Được chia làm 2 phần chính gồm:
 
- Trán bia: Trán bia hình vòm, khắc các họa tiết trang trí, bờ mi trán bia có tiêu đề bia, thường viết theo lối chữ triện.
 
- Thân bia: Thân bia bình chữ nhật, hai bên diềm bia và chân bia trang trí hoa văn, lòng bia khắc bài văn bia bằng chữ Hán cổ gồm bài ký, danh sách các vị đỗ Tiến sĩ, cuối cùng là họ tên, chức vụ của người soạn văn bia, người nhuận sắc, người viết chữ, năm dựng bia.
 
+ Đế bia: Đế bia được tạo dáng hình rùa với những đặc điểm nghệ thuật trang trí khác nhau. Đế bia hình rùa thể hiện sự trường tồn, bền vững của hiền tài, giáo dục và của bia Tiến sĩ.
 
Bia có kích thước to nhỏ khác nhau. Những bia được dựng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI có kích thước nhỏ bé, càng về sau kích thước bia càng lớn. Hình thức trang trí phong phú trải qua các giai đoạn phát triển gần 300 năm. Tấm bia lớn nhất cao 1,75m (chưa kể đế bia) rộng 1,3m, còn tấm bia nhỏ nhất cao 1,1m, rộng 0,7m,độ dày của bia trung bình là 0,25m. Hình trang trí trên bia cũng vậy. Giai đoạn thế kỷ XV-XVI, hình trang trí đơn giản, nghèo nàn, trán bia chỉ có hình mặt trời, mây xoắn. Diềm bia chủ yếu trang trí hoa dây. Sang thế kỷ XVII-XVIII,hình trang trí trên bia rất phong phú. Trán bia trang trí các hình rồng, phượng, mặt nguyệt. Diềm bia trang trí các hình hoa lá, hình người, thú, chim hết sức sinh động.
 
Trang trí trên bia đa dạng, phản ánh sự phát triển hình tượng nghệ thuật theo thời gian. Mỗi tấm bialà một tác phẩm nghệ thuật độc đáo bởi chúng là kết tinh trí tuệ, bàn tay khéoléo của những nhà văn hoá, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam qua các thời kỳ và được làm hoàn toàn thủ công.
 
Giá trị đặc biệt của biaTiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính là bài văn bia bằng chữ Hán. Nội dungvăn bia ghi về khoa thi Tiến sĩ được dựng bia. Mỗi bài văn bia thường có 2 phần: phần ký và phần ghi danh sách những người  đỗ của khoa thi theo thứ tự từ cao đến thấp: Đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp... Phần ký của văn bia cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử của nền giáo dục, thi cử nước nhà và quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã được thể hiện rõ trong nội dung các bài văn bia với ý nghĩa:
 
-Vạch ra được lối chiến lược cho các nhà cầm quyền (xưa và nay) trong quản lý và xây dựng đất nước là phải coi trọng nhân tài.
-Xác định và định hướng rõ trách nhiệm của các nhà trí thức đối với đất nước, đó là: Đem tài năng ra phục vụ đất nước, đào tạo đội ngũ nhân tài kế tiếp cho đất nước.
 
Những bài ký trên bia là kết tinh trí tuệ của nhiều thế hệ trí thức, là kinh nghiệm về đạo làm người ,đạo trị quốc của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, văn bia còn cho chúng ta biết những bài học vô giá về đạo trị quốc, xây dựng và phát triển đất nước luôn phải quan tâm, đào tạo nhân tài. Ngay từ bài ký soạn cho khoa thi đầu tiên được dựng bia, khoa thi năm Đại Bảo 3 (1442), Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, hoặc “Sự lớn lao của nền chính trị bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài…”. (Bài ký khoa thi năm 1448). Trải qua thời gian, đường lối trị quốc dựa vào nhân tài luôn được khẳng định, và luôn đúng. Lễ bộ thương thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Tung trong bài ký soạn cho khoa thi năm Hồng Thuận thứ 3(1511) viết: “Vua nào muốn có trị bình, ắt phải coi việc dùng hiền kén sĩ làm việc đầu tiên”“Đạo trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài”. Ngay cả vào giai đoạn cuối của triều Lê Trung hưng, vai trò của nhân tài vẫn được nhắc đến “Nhân tài chính là cây trăn, cây hộ của nước nhà vậy” (bài ký khoa thi năm 1763).
 
Vai trò của hiền tài đối với quốc gia được khẳng định, nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các bài ký, chothấy đây là một quốc sách, là điểm cốt lõi trong đạo trị quốc. Đây chính là bài học quý cho đương thời và hậu thế.
 
Để có được nhân tài thì phải chăm lo, gây dựng nhân tài. Cách thức gây dựng, thu hút nhân tài cũng được các bài ký chỉ ra, để từ đó làm cho đất nước hưng vượng.
 
Trước hết, để đào tạo nhân tài, thì nhà nước phải tạo điều kiện tốt cho việc dạy và học, cụ thể là phải xây dựng trường học, chọn thầy giỏi, tìm nhiều cách động viên khích lệ học trò: “Xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để bồi dưỡng nhân tài. Tại kinh đô có Quốc Tử Giám, ngoài phủ có học đường.. đặt thầy dạy dỗ, in kinh sách ban phát…”
 
Tuy nhiên, để có được hiền, tài thực, thì nhà nước phải tổ chức các khoa thi đích thực, những người  thi đỗ được trọng dụng, được vinh danh: “Nghĩ việc đặt khoa thi kén chọn kẽ sĩ là chính sự cần trước nhất…” (Bài ký bia Tiến sĩ khoa thi năm1442); Cách thức này thường xuyên được nhắc đi nhắc lại, đến nỗi có thể coi như là điều hiển nhiên, phải làm. Có đến 60/82 bài ký nói đến điều này: “Nhân tài cao thấp cốt do nơi khoa mục” hoặc“chọn kẻ sĩ phải do con đường khoa mục..” (Bài ký khoa thi năm 1703); “Nuôi dưỡng nhân tài ở trường học, dùng khoa mục để kén chọn kẻ sĩ…” (Bài ký khoa thi năm 1772)
 
Cách thức vinh danh,khuyến khích sĩ tử “sôi kinh nấu sử” để trở thành nhân tài rất đa dạng, là gợi ý, bài học của người  trước cho người sau trong trị quốc, dùng người  như miễn phu phen, lao dịch cho người  có thành tích trong học tập, thi cử; ghi tên Bảng vàng treo cổng kinh thành, cửa nhà Thái học, bổ nhiệm trọng trách, ban mũ áo, ghi tên vào sách đăng khoa lục…“Cốt để cho bọn cài hốt bên lưng, ra vào nơi cung điện, mắt nhìn,miệng đọc, bồi hồi, ngóng trông, kính mến mà ao ước. Đó là bộ máy để kích động lòng người  và là một việc hay có ý nghĩa trọng đạo của đời thịnh đối với nền chính trị và phong hoá quan hệ rất lớn ” (Văn bia Bia Tiến sĩ khoa thi năm1481).
 
Những bài ký trên bia cònchỉ ra những bài học, cách thức tu dưỡng để trở thành những con người  có ích cho quê hương, đất nước. Lẽ thường, khi đạt được mục đích, được vinh danh, người  ta thường sao nhãng việc rèn luyện, tu dưỡng;khi đã ở ngôi cao thường sinh lòng kiêu hoặc coi thường ngừời dưới. Thực tế, có người  đã mất hết ý chí phấn đấu, thậm chí sa ngã, đánh mất mình, đến khi sực tỉnh thì đã quá muộn. Những bài ký trên bia là những tâm sự, những lời khuyên, thậm chí cảnh báo rất kịp thời với nhữngngười  đang sống, và với thế hệ tiếp theo. Trước hết, dù đã thành đạt, đã được đề cao vẫn “phải trọng thân danh mình mà lo báo đáp”, phải làm việc sao cho đúng với sự đề cao, danh hiệu đó, để “danh đứng với thực”. Muốn làm được điều đó, người  làm quan phải tận tâm, tận lực lo cho dân, cho nước, phải biết “dâng mưu hay”, phải biết khẳng khái khuyên can việc tốt, “phải gắng rèn mài liêm cần, trau dồi tiết hạnh, cứng rắn như vàng ngọc,…làm việc phải đồng tâm hiệp lực, thờ vua thì phải giữ gìn chính đạo, …” (Văn bia khoa thi năm 1706);
 
Những lời khuyên về lối sống, tu dưỡng rất cụ thể, chân thành, bởi đó chính là kết tinh, trải nghiệmcủa người i viết, là tâm huyết đối với hậu thế, với giang sơn đất nước: “Theo hầu trong cung phải giúp đức cho vua, giúp ơn cho dân; trấn nhậm một phương phải làm bình phong phên dậu. Người giữ chức cao phải đem khả năng bàn nói để hết chức phận can gián của mình…” (Văn bia khoa thi năm 1691), “tuổi già tiết cứng, nêu gương cho phường hậu tiến, hun đúc nên tập tục trung tín liêm sĩ, chớ cậy may mắn lợi dụng vơ vét” (Văn bia khoa thi năm 1760).
 
Những bài học, kinh nghiệm sống cha ông, của thế hệ trí dũng, tài đức lưu lại trên đá được kiểm nghiệm, minh chứng qua thời gian, Những bài học đó vô cùng quý cho mọi thời đại, đặc biệt là hiện nay, khi đất nước đang trong thời kỳ thay đổi lớn trên mọi mặt, và nền giáo dục đang trải qua nhiều cải cách, thử nghiệm. Trong mọi hoàn cảnh, để phát triển bền vững đất nước, điều quan trọng nhất vẫn là đào tạo, bồi dưỡng được những con người  thực sự “hiền”, “tài”, những người  không chỉ lo cho thế hệ mình, mà còn nghĩ đến thế hệ sau, tương lai của đất nước.
 
Việc dựng bia Tiến sĩ đã tác động to lớn đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài của đất nước. BiaTiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn có tác động xã hội to lớn đối với người  đương thời và hậu thế. Được ghi tên trên bia là niềm khích lệ lớn trong việc học tập, rèn luyện để trở thành người  có ích cho đất nước và xã hội. Bia Tiến sĩ cùng là biểu tượng và niềm tự hào của sự thành đạt và trí tuệ.
 
Ngày nay bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách,chính khách trong và ngoài nước. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính kháchquan trọng của các nước trên thế giới đã đến đây và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của những tấm bia Tiến sĩ.
 
Tháng 3 năm 2010, Uỷ ban Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu - Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và tháng 5 năm 2011, Tổng giám đốc UNESCO đã công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14 tháng 1 năm 2015, Thủ tướng chínhphủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công nhận 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Bảo vật quốc gia. Đây chính là sự đánh giá, công nhận giá trị đặc biệt của bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đối với nền văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam nói riêng, của toàn nhân loại nói chung.
 
 
Theo vanmieu.gov.vn