nguyendu.d.webcom.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Ai biết nỗi lòng của các nghệ nhân ngày một héo hắt vì lo di sản?


GS Trần Quốc Vượng khi còn sống đã rất nhiều lần nói với học trò: “Văn hóa Việt Nam chính là văn hóa dân gian, nếu không giữ được văn hóa dân gian, nền văn hóa cả dân tộc này sẽ mất”.

Lời nhận xét giản dị ấy là đúc kết từ quãng thời gian hơn nửa thập kỷ ông lăn lộn vào với văn hóa dân gian để hiểu cặn kẽ rằng, những tinh hoa của văn hóa Việt Nam đang nằm nơi thôn xóm, nằm trong những cụ ông, cụ bà mộc mạc nơi làng quê chứ không phải chốn kinh viện cao xa.

Tiếc rằng không nhiều nhà quản lý văn hóa quan tâm đến điều đó. Chúng ta đã quá quen với những màn xưng tụng di sản văn hóa phi vật thể đầy tính phong trào mà không gắn liền thực chất. Giờ không còn mấy người cặm cụi đi điền dã về các làng quê, lắng nghe, ghi chép di sản từ các nghệ nhân dân gian để lưu lại cho con cháu.

Thế hệ những nhà nghiên cứu tâm huyết như GS Trần Quốc Vượng, GS Trần Văn Khê… đã lần lượt khuất núi, những vị già lão như GS Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan… cũng dần sức tàn lực kiệt. Mà vốn quý trong dân gian thì chẳng đợi chờ ai. Những câu hát cổ, điệu múa quý, trình thức trình diễn đúng lề lối… những di sản độc bản cứ lần lượt được các chủ nhân của chúng mang theo về với ông bà tiên tổ. Nhà nghiên cứu, báo chí lên tiếng không biết bao nhiêu lần, sau hơn 10 năm soạn thảo, cuối cùng mãi đến năm 2015, Bộ VHTTDL mới bắt đầu rục rịch cuộc bình chọn lần đầu tiên theo quy chế phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân. Đó là một động thái “gọi là” biết ơn và ghi nhớ công lao của các cụ.

Trong khi một bên thì vô cùng cần kíp như cứu hỏa, vì các cụ như nến trước gió, chẳng biết sẽ tắt lúc nào, một bên thì 10 năm mới soạn xong quy chế, rất thong thả, ung dung, đủng đỉnh. Tình thế vô cùng trái ngược. Vậy thì nếu di sản phi vật thể cứ dần dần rơi rụng, biến mất, nếu còn thì méo mó, biến dạng sẽ là lỗi của ai? 

Các nghệ nhân luôn sẵn lòng truyền dạy, có người ốm liệt giường mà có học trò đến nhà cũng phải bò dạy như Nghệ nhân ca trù 93 tuổi Nguyễn Phú Đẹ, không một chút đòi hỏi. Vậy ai biết cho tấm lòng của cụ? Ai biết cho nỗi lòng của các nghệ nhân đang ngày một héo hắt vì lo di sản của ông cha sẽ theo mình vào lòng đất khi thế hệ trẻ không ai chịu đứng ra gánh vác?

“Của tin còn một chút này làm ghi”, cái “của tin”- bảo vật của văn hóa dân tộc ấy, các nghệ nhân đã gìn giữ bấy lâu nay, không ai trả công, khen thưởng. Giờ đến lúc họ sắp về với ông bà, cái nguyện vọng được trao lại cho mai sau hình như cũng chẳng mấy ai quan tâm, hồi đáp.

Vậy thì đừng đổ lỗi tại ai, khi một mai con cháu chúng ta mở cửa kho báu ấy và chỉ thấy một khoảng trống mênh mông. 

 

 

 

 Theo Lê Tâm/danviet.vn


Di sản văn hóa